Sau khi Đề Nắm hi sinh, Đề Thám đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào Yên Thế. Ông đã khôi phục những toán quân còn sót lại ở Yên Thế và các vùng xung quanh, rồi tiếp tục hoạt động. Ông lãnh đạo, tổ chức nghĩa quân lập khu tự trị Yên Thế, xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng, vũ khí, tổ chức nhiều trận đánh. So với giai đoạn trước, số lượng nghĩa quân tuy có giảm, nhưng địa bàn hoạt động lại mở rộng hơn.
Trong 2 năm (1893-1894), quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Pháp không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tay sai của Pháp là Lê Hoan cầm đầu đoàn quân, một mặt dụ hàng, mặt khác ra sức triệt hạ các xóm làng nơi nghĩa quân hoạt động.
Năm 1894, nghĩa quân trở về Yên Thế, tiến hành xây dựng lại căn cứ Hố Chuối, đồng thời mở rộng hoạt động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang. Lúc này, các phong trào Bãi Sậy, Ba Đình, cũng như các đội quân kháng chiến của Đốc Ngữ, Đề Kiều đều đã tan rã, nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế.
Bằng chiến thuật du kích tài tình, nghĩa quân đã tránh được mũi nhọn của quân Pháp, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, trừng trị những kẻ phản bội như Đề Sặt.
Thấy chưa thể dập tắt được phong trào Yên Thế, nên Pháp đã yêu cầu giảng hòa.
Về phía nghĩa quân, tuy có giành được một số thắng lợi, nhưng lực lượng cũng suy yếu rõ rệt. Trong tình hình đó, Đề Thám đồng ý giảng hòa với Pháp để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng.
Tháng 10-1894, cuộc thương lượng giữa nghĩa quân và thực dân Pháp kết thúc. Kết quả là quân Pháp phải rút khỏi khu vực Yên Thế, giao 4 tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng thuộc Yên Thế cho nghĩa quân kiểm soát.
Tháng 10-1895, quân Pháp đã bội ước, huy động lực lượng, bất ngờ mở những cuộc tấn công lớn vào Yên Thế. Pháp treo giải thưởng 30.000 franc cho kẻ nào bắt được Đề Thám.
Nghĩa quân đã chống đỡ quyết liệt. Để tránh những cuộc đụng độ lớn với địch, Đề Thám chia nghĩa quân thành những toán nhỏ, phân tán hoạt động trong rừng và ở các làng mạc, di chuyển hoạt động trong bốn tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên.
Thấy vẫn chưa thể dập tắt được phong trào Yên Thế và muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa, nên Pháp lại yêu cầu giảng hòa.
Về phía nghĩa quân, trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám đồng ý giảng hòa với Pháp lần thứ hai.
Tháng 12-1897, hiệp ước giảng hòa giữa thực dân Pháp và nghĩa quân đã được kí kết với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghĩa quân phải nộp cho Pháp tất cả vũ khí và phải bãi binh.
Đề Thám bề ngoài tỏ ra là phục tùng, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng.
*******************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét