Giai đoạn thứ ba (1898 - 1908) - Khởi nghĩa Yên Thế

Trong hơn 11 năm đình chiến (từ tháng 12 năm 1897 đến ngày 29/01/1909), nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu, có những bước phát triển mới.
Đề Thám xúc tiến việc xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến. Tại căn cứ này, nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương ăn, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập. Lực lượng tuy không đông (khoảng 200 người), nhưng rất thiện chiến.
Địa bàn nghĩa quân hoạt động được mở rộng từ trung du đến đồng bằng, kể cả vùng Hà Nội.
Đề Thám mở rộng quan hệ giao tiếp, liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... đã gặp gỡ Đề Thám, để bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng. Tại Yên Thế, nghĩa quân đã hai lần đón tiếp nhà yêu nước Phan Bội Châu. Giữa năm 1906, Phan Châu Trinh cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám.
Đề Thám còn lập một căn cứ gọi là đồn Tú Nghệ, dành cho các nghĩa sĩ miền Trung ra huấn luyện quân sự.
Đề Thám tổ chức ra "đảng Nghĩa Hưng" và "Trung Chân ứng nghĩa đạo" làm nòng cốt. Từ đấy nghĩa quân có sự chỉ huy thống nhất, có đường lối đấu tranh rõ ràng hơn trước.
Đề Thám đã chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ngày 27/6/1908 của nhóm lính tập ở Hà Nội trong vụ Hà thành đầu độc. Sự kiện này làm chấn động khắp cả nước.
Về phía Pháp, trong thời gian này chúng đã ráo riết lập đồn, bốt, mở đường giao thông, tập trung lực lượng, tạo mọi điều kiện cần thiết để đánh đòn quyết định tiêu diệt nghĩa quân Yên Thế.
********************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét