Giai đoạn thứ tư (1909- 1913) - Khởi nghĩa Yên Thế

Ngày 29/01/1909, Thống sứ Bắc kỳ đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước tới lúc đó, gồm 400 lính dõng, 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, do đại tá Batay (Bataille) và đại thần Lê Hoan chỉ huy, tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. 
Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa rút lui khỏi Yên Thế, chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. 
Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909).
Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. 
Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hy sinh, hoặc sa vào tay giặc, như Cả Trọng (Con trai của Đề Thám)Trương Thị Thế (con gái út của Đề Thám), Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con trai của Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn... Có một số người ra hàng như: Cả Dinh, Cai Sơn... 
Đến đây, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản, nghĩa quân bị tan rã, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng 2 thủ hạ tâm phúc, âm thầm tìm cách tổ chức lại lực lượng để khởi nghĩa.
Ngày 10-02-1913, Đề Thám bị giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2 km. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào nông dân Yên Thế.

Sau gần 30 năm chiến đấu, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế bị dập tắt, nhưng ý chí đánh Pháp giành độc lập cho non sông đất nước vẫn sống mãi.
********************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét