Lân Hổ Hầu Đô Thống Đại Vương Phùng Tráng

Phùng Tráng quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây). 
Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung, người không đẹp lắm, lại nghèo khó, chuyên làm nghề kiếm củi nuôi thân. Một hôm, bà vào rừng Tô Lâm hái củi, lúc về ra đến cửa rừng vì mệt mà ngủ thiếp đi, bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình bà, lại có tiếng hổ gầm lên vang động, bà giật mình tỉnh dậy. Về nhà tự nhiên bà thụ thai, đến kỳ sinh ra cậu bé rất tuấn tú khôi ngô. Một người có chữ trong làng nhìn rồi bảo rằng: Cậu bé này “phi lân, tắc hổ”, nghĩa là không phải kỳ lân thì cũng là mãnh hổ. Nghe vậy bà liền đặt tên con là Lân Hổ. Lớn lên, Lân Hổ mình cao 8 thước, sức nhấc 100 cân, võ nghệ cao cường và có tài thao lược… 

Khi giặc Nguyên – Mông xâm lược nước ta lần thứ 2, vua Trần xuống chiếu với người tài đánh giặc. Lân Hổ xin đi và được vua Trần cho cầm quân bộ đánh giặc mặt Bắc. Ông dẫn quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc ngày nay), bày binh bố trận, lập một phòng tuyến, chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ cho kinh đô Thăng Long.

Sau khi chiến thắng giặc Nguyên – Mông, triều đình luận công ban thưởng. Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều, nhưng ông lại từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.

Khi giặc Nguyên – Mông xâm lược nước ta lần thứ 3, Lân Hổ chỉ huy chiến tuyến Gia Ninh – Dục Mỹ. Thế giặc mạnh lại rất đông, Lân Hổ tả xung hữu đột chém nhiều đầu giặc và ông đã anh dũng hy sinh. 

Tiếc thương vị tướng tài lập nhiều công lớn, vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Lân Hổ và cho quốc tế (tế theo nghi lễ nhà nước).

Nhân dân đã lập đền và đình thờ ông ở nhiều nơi, để ghi nhớ công ơn và cầu mong sự hiển linh che chở.
********************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét