Ăn vạ lý trưởng

Quản Bạt đóng áo chùng đi ăn cưới về, ngang qua đình thờ Đức Thánh Trần, định ghé váo nhắc anh mõ đi mời các cụ bô lão và chức sắc trong làng sáng mai đến bàn việc tổ chức lễ 20/8 âm lịch, ngày giỗ Trần Hưng Đạo.
Phần uống rượu ngà ngà say, phần trong đình hơi tối, Quản Bạt vấp phải bệ cửa ngã sóng soài, sướt cả đầu gối, rách toác ống quần.
Cụ Vinh, thủ đền vội chạy đến:
- Ối, ông Quản có sao không?
Quản Bạt phủi gối:
- Không sao, không sao... có anh mõ đấy không cụ?
- Thưa có, đang nằm ở nhà trong. Tôi cũng đang định đi mời thầy...
- Có việc gì ạ?
- Chả là hôm qua anh mõ vác lúa cho nhà ông lý trưởng bị vẹo xương hông, không đi được.
- Thế à...
Quản Bạt bước nhanh xuống nhà sau, thấy anh mõ đang cởi trần, mặc mỗi cái khố rách, nằm co quắp trong xó bếp. Thấy ông Quản vào, anh gắng ngồi dậy, nhưng Quản Bạt đã xua tay:
- Thôi thôi, anh cứ nằm để tôi xem cho.
- Dạ dạ... ông tha lỗi... áo quần con vừa giặt xong...
Quản Bạt cười, nhìn ra sân phơi, không tin đó là mớ quần áo vì nó quá cũ rách.
- Anh ăn gì chưa?
- Dạ... chiều... chiều con ăn luôn ạ.
- Tôi hỏi thế để còn biết mà chữa. No thì tức bụng lắm.
Vừa nói, Quản Bạt vừa mở nồi cơm, thấy trống trơn không dính hột nào.
- Anh làm cho lý trưởng công cán bao nhiêu một ngày?
- Dạ... dạ... chỗ quan viên cha mẹ, con đâu dám đòi tiền công. Ông bà cho con ăn cơm thôi ạ.
- Làm cho ai cũng phải có công cán đàng hoàng chứ. Lão lý kiết ấy ai còn lạ gì, phải đòi cho thẳng thừng chứ. Thế anh bị sai khớp ông ấy có cho gì không?
- Dạ có, bà lý có san cho con nửa chai dầu.
- Tốt thật!
Quản Bạt bảo anh mõ:
- Anh nằm sấp xuống, chịu đau một tí, nhanh thôi.
Rồi leo lên giường, một tay quàng lấy ngực anh mõ, tay kia đặt lên sờ các đốt xương sống.
- Anh bị trật đốt thứ chín, chứ không phải vẹo xương hông. Nhìn là tôi đoán ra ngay. Vợ con gì chưa? Năm nay hai mấy rồi?
Anh mõ chưa kịp trả lời thì "á" lên một tiếng, nghe cái "cụp", toát cả mồ hôi, nhưng thấy nhẹ nhõm trong người ngay.
Quản Bạt cười:
- Xong rồi, chiều tối tôi gửi cho ít thuốc là mai lại khỏi thôi.
Cụ Vinh thủ đền xuýt xoa:
- Ông Quản giỏi thật! Nói chuyện đánh lừa cho bớt đau.
Quản Bạt bước xuống giường:
- Tôi phải sang nhà lý trưởng có chút việc.
Anh mõ gượng ngồi dậy:
- Đội ơn ông Quản... thật con...
- Anh cứ nghỉ. Tôi về nhé.
- Vâng ạ.

Quản Bạt đi thẳng đến nhà lý trưởng. Mới vào ngõ, con trâu cột sát đường quay cổ nhìn. Quản Bạt tránh sang một bên, quen tay nắm luôn sừng. Ngẫm nghĩ một lúc, ông hét toáng lên:
- A... mày dám phạng ông à? Ông đập cho mày chết!
Lý trưởng chạy ra, nắm lấy dây thừng cột mũi trâu.
- Sao... sao?... Ông Quản...?
- Hừ, không nhanh có phải chết không! Mẹ nó, trâu bò vạng người thì chẳng nuôi làm gì... không biết trâu nhà ai?
Vừa nói vừa dận sừng quẹo cổ trâu định quật. Ông lý hốt hoảng nắm lấy tay Quản Bạt:
- Ấy ấy đừng đừng, ông Quản... trâu... của nhà tôi.
Bà lý ấp úng:
-Dạ dạ, mọi khi nó hiền lắm, không biết sao hôm nay lại giở chứng.
Quản Bạt bỏ tay ra.
- Trâu nhà ông bà à? Sao mà khinh người thế?
- Xin ông đừng chấp...
- Hừ, làm rách cả quần người ta.
- Vâng... vâng... không may sự thể lại như vậy... chúng tôi xin đền ông bộ khác... ông vào xơi nước đã...
Lúc ấy Quản Bạt mới làm bộ hậm hực, ngoái cổ lại.
- Trước cửa là nhà mụ An, mẹ thầy phán Cóc phải không nhỉ?
- Vâng, đúng đấy.
Quản Bạt nói to, cốt để mọi người xung quanh nghe thấy:
- Nghèo thì không sao, hơi có máu mặt một tí đã nới dậu, lên đường, chẳng coi làng xóm ra cái gì cả. Cũng chỉ vì xây tường, lấn dậu mà con trâu vạng phải ông.
Ông lý gật đầu:
- Dạ phải ạ, cũng tại cái bờ tre...
- Thì ông cứ đốn sạch. Không thì để tôi tính cho.

Quản Bạt ngồi xuống bàn, uống trà, không nói không rằng. Bà vợ lý trưởng khép nép cầm một gói giấy đặt lên bàn.
- Xin ông Quản vui lòng nhập cho xếp vải về may bộ khác ạ.
Quản Bạt xắn quần, phô chỗ xước rướm máu rồi nói:
- Suýt nữa thì gãy chân. Không biết có sao không đây?
Lý trưởng mặt nhăn nhó, đưa mắt nhìn vợ, rồi mở tủ lấy ra đồng bạc, kẹp vào gói giấy bọc xấp vải:
- Ông cầm tí chút mua thuốc ạ. Kể ra cũng tại cái vận xui cho cả ông và tôi.
- Thì có ai muốn thế đâu... Thôi cảm ơn ông bà nhé.
Quản Bạt bước ra cửa còn bảo:
- Ông bà cảm phiền để tôi đo bộ cũ này đã, rồi giặt giũ, gửi lại ông bà sau.
- Thôi thôi, ông Quản đừng làm thế.
- Vậy xin cảm ơn ông bà. Tính tôi nó vậy, đâu cứ ra đấy.
Đến ngõ, Quản Bạt làm bộ đứng lại:
- Ông bảo cháu nó dẫn trâu hộ, tôi qua.
Ông lý vội chạy trước nắm mũi trâu kéo sát vào lề.
- Ông cứ đi đi, không sao đâu.
Quản Bạt đi qua, cười với con trâu:
- May cho mày đấy!

Bà An, mẹ thầy phán Cóc, lúc này đã đứng đợi trước cửa đon đả chào:
- Chào ông Quản ạ. Mời ông vào nhà xơi nước. Gớm, lâu quá ông chẳng vào nhà tôi chơi.
- À, bà An đó à? Chà, dạo này bà béo trắng, trông trẻ đẹp hẳn ra, tôi suýt không nhận ra đấy... Bà thứ lỗi cho, trước đây nhà bà nóc rạ tường đất, tôi vẫn thường lại thăm, giờ cậu Cóc làm ông phán, phát lộc phát tài, nhà xây sân gạch, tôi biết chứ. Vả yên trí rồi, khỏi phải lo nữa, nên tôi ít đến, thế thôi.
- Dạ... dạ...
- Cậu phán về, bà bảo lúc nào rảnh mời đến tôi chơi. Cậu ấy có học, biết luật lệ, biết phân xử, tôi thích lắm.
Quản Bạt vừa nói vừa ngửa người ngắm dậu tre, bức tường rồi chửi đổng:
- Mẹ nó cái dậu tre có hàng trăm mắt mà như mù, cứ bò ra đường chiếm cả lối đi.
- Vâng vâng... mời ông vào nhà xơi nước, tôi xin thưa chuyện.
- Thôi cảm ơn bà, tôi bận đi có chút việc.
Vừa nói, Quản Bạt vừa rảo bước. Bà An lúp xúp chạy theo sau:
- Ấy ấy Ông Quản... thế này thật không phải. Vâng, cũng tại cái bờ tre, làm ông bị đau...
Quản Bạt đứng lại:
- Bà nên cho người dọn bờ tre đi. Có tường rồi cần gì dậu. Bán cũng được khối tiền.
-Vâng, ông dạy phải.
- Thôi xin chào bà.
Quản Bạt mang xấp vải mới cho luôn anh mõ, cho thêm một đồng mua gạo và trả tiền công cắt may.

Hôm hội làng, Quản Bạt nói khẽ vào tai lý trưởng.
- Tôi và ông ăn mặc thế nào cũng được, còn anh mõ, dù sao cũng là thông tin của làng, đại diện cho cánh mình đi mời, đi rao loa... Tôi cho anh ấy xếp vải để may bộ cánh mới, coi như ông cho, như thế được chứ? Hà hà, nào, mời ông lý nâng cốc!



*******************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét