Bạt học võ

Từ bé Bạt rất thích học võ, thường rình xem người lớn tập rồi cũng về múa một mình.

Một hôm, ông nội Bạt là cụ Phan Bá Vường, biệt danh là Chép Vàng, một võ sư nổi tiếng thời bấy giờ, đến thăm, thấy thằng cháu đánh nhau với trẻ con hàng xóm lớn hơn nó nhiều mà vẫn thắng, ông cụ thích lắm, cứ nắn chân nắn tay Bạt mà nói với bố bố Bạt: “Thằng cháu này sau này lớn lên cho nó học võ chắc cũng chẳng thua kém ai.”

Bố Bạt là ông Tổng Ấp thưa với cụ Vường:
- Bẩm thầy, thằng cháu tính rất nghịch ngợm, nhà con suốt ngày cứ bị hàng xóm mắng. Cho nó học võ sớm chỉ tổ đánh nhau. Xin thầy để con rèn cháu đã.

Có lần, Bạt xin bố cho qua Minh Châu ở với bác, cốt để học võ với ông nội, nhưng ông bố nhất định không cho, bảo đến mười lăm tuổi hãy tính chuyện ấy.
- Học võ phải có ý chí và sức khỏe. Chúng mày thích học võ mà yếu như sên ấy thì học cái gì! Khi nào mỗi đứa mà kéo được một trục lúa thì mới gọi là khỏe.

Năm mười ba tuổi, Bạt đã một mình kéo được trục lúa bằng đá nặng trên năm mươi cân. Ông Tổng Ấp lại bảo:
- Khỏe rồi đấy, nhưng vẫn còn nhờ sức lăn.

Bạt tức lắm, sáng nào cũng cố nâng, năm 16 tuổi thì nhấc bổng được trục. Ông Tổng Ấp giữ lời hứa và thấy Bạt đã quá tuổi 15, liền sắm lễ cho qua Minh Châu học võ nhà ông nội.

Ngay ngày đầu, ông cụ đã bắt thằng cháu đi chăn nghé. Bạt ức lắm, nghĩ: “Mình lớn rồi, sang đây để học võ chứ có phải đi chăn nghé như trẻ con đâu. Nhưng cũng phải ráng chịu xem sao.” Suốt cả tuần, ông cụ cứ lờ đi, chẳng đếm xỉa gì đến việc dạy võ.

Một chiều, lững thững đi ra đồng, ông thấy Bạt đang một mình tập nhảy qua lưng nghé, liền nói:
- Nghe nói cháu khỏe, giờ cũng quen với con nghé này rồi, vậy thử vật nó xem sao?

Bạt vâng lời vít cổ con nghé xuống. Con nghé sức lớn đâu dễ gì chịu thua, nó cũng dạng chân, lắc cổ cưỡng lại. Bạt càng hăng tiết, cố sức ghì con vật. Cuối cùng cũng vật đổ được nó. Toát cả mồ hôi, nhưng cậu lấy làm hãnh diện lắm.

Cụ Vường không vội khen cháu mà phân tích:
- Cháu 16 tuổi cũng như con nghé một tuổi. Cháu vật ngã nó đấy, nhưng nó có vật lại cháu đâu? Nếu nó mà biết vật, cháu sẽ ngã ngay. Cứ chơi với nó đi, khi nào nó thành con trâu, ông sẽ dạy võ cho.

Bạt biết ý, từ đó ngày nào cũng ra sức vật với nghé, càng ngày càng biết nhiều thế mới, càng khỏe và tinh hơn.

Cụ Chép Vàng còn bắt Bạt đi gánh nước bể (nước biển), phải lội ra xa để lấy nước sạch và đổ đầy sân phơi muối rộng cả sào, cách biển hàng trăm mét. Có ngày Bạt phải gánh cả trăm gánh, tối mịt mới xong. Nhờ thế mà đôi chân Bạt cứng cáp, tấn trụ vững chắc, dẻo dai.

Hai năm sau, khi 18 tuổi, Bạt đã có thể vật đổ trâu to trong vòng dăm ba phút. Còn con trâu Bạt quen chăn thì phải lâu hơn, vì nó nhờ Bạt mà quen đòn, biết cách chống đỡ. Khi Bạt nắm lấy sừng thì nó cũng sẵn sàng nghênh chiến. Bạt cũng thích vật với nó hơn và hình như nó cũng thích đùa với cậu chủ vui tính. Nhiều lúc nó được ăn no, ăn ngon; ít có con trâu nào được chủ cho ăn cả thúng thóc, có lần cậu còn cho trâu uống cả rượu.

Đã có sức vóc, nhanh nhẹn, lại có nặng khiếu, Bạt học võ rất nhanh, học một năm bằng người khác học nhiều năm. Dần dần, Bạt hạ được cả những học trò lớn, học lâu năm hơn mình.

Khi Bạt đã làu thông quyền cước, sử dụng thành thạo các món binh khí, cụ Chép Vàng gọi cháu lại hỏi:
- Ba năm ở với ông, cháu học được gì?
Bạt thưa:
- Cháu vẫn đang ôn luyện thêm.
- Ôn luyện xong chưa?
- Dạ… chưa.
- Thế thì cứ luyện.

Bạt vâng lời mà vẫn chẳng thấy ông nội dạy thêm gì cả. Năm ấy, ông Tổng Ấp lên xin cho con về lấy vợ. Bạt không chịu, quyết học xong mới về. Cụ Vường mỉm cười, nhưng vẫn không có ý kiến gì.

Cuối năm, cụ Vường gọi Bạt lại hỏi:
- Cháu còn luyện nữa không?
- Thưa ông, cháu vẫn đang
- Ừ, văn ôn võ luyện. Thế có hiểu thêm được gì mới không hở cháu?
- Dạ, mới chỉ chút ít thôi.
- Là những gì? Thử ông xem.
- Thưa, cháu không dám, chỉ có thêm về đạo.
Cụ Vường bật cười:
- Ừ, tốt lắm, chỉ có đạo là vô bờ, cứ cố mà hiểu. Giữ lấy chữ Tâm. Con người phải có chữ Tâm làm đầu.

Ít hôm sau, cụ cho Bạt về nhà theo yêu cầu của bố.

Sau khi lập gia đình, Bạt giữ chân Quản Lộ ở làng. Vì vậy người ta theo thói quen gọi ông là Quản Bạt.

******************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét