Con Rồng, cháu Tiên - Đồng bào

Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả.
Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. 
Không thấy Lạc Long Quân trở về, nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao, hướng về biển Ðông, lên tiếng gọi: "Bố nó ơi ! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này". Lạc Long Quân trở về tức khắc. 
Âu Cơ trách chồng: "Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc mẹ con thiếp sống bơ vơ khổ não".
Lạc Long Quân nói: "Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên".
Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trở thành tổ tiên của người Bách Việt, của dân tộc Việt Nam sau này.

Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.
Tiên được hiểu là người sống trên núi, hiền từ thanh thoát, sống mãi không chết.
Rồng được coi là chủ tể của biển cả, làm mưa làm gió, thiên biến vạn hóa.
Vì Lạc Long Quân là giống Rồng và Âu Cơ là giống Tiên, nên dòng giống Việt Nam là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, còn được gọi là "con Rồng cháu Tiên".
Từ đó dòng giống Việt này được phát triển, dân tộc Việt Nam gọi nhau là “Đồng bào”.

********************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét