Lịch sử hình thành Cù Lao Phố

Từ thác Trị An chảy ra biển Đông, dòng chảy sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ. Tại địa phận Biên Hòa, dòng chảy chia ra làm hai nhánh, ôm trọn một dải đất. Đó chính là Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông Nại Đại Phố, nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, với diện tích 6,93km2.

Năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người xin cư trú tại việt Nam và được Chúa Nguyễn chấp thuận cho vào đất Đông Phố (nay là Cù Lao Phố) khẩn hoang. Khi đến Cù Lao Phố, Ông đã cùng người dân địa phương xây dựng nơi đây thành thương cảng lớn. Đường xá được mở rộng, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu ngoại quốc lui tới buôn bán. Trong lịch sử phát triển, Cù Lao Phố phát triển nhiều ngành nghề như: dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường.

Năm 1776, cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nhà Nguyễn đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù Lao Phố, nay không còn dấu vết. Thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.

Từ sau ngày 30/4/1975, người dân Cù Lao Phố đã biến cải vùng đất này thành vựa lúa lớn của Biên Hòa. Cù Lao Phố hiện nay còn 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 ngôi miếu. Cù Lao Phố tồn tại nhiều dạng hình thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen hòa trộn lẫn nhau.
********************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét