Hội Lồng Tồng (Mùng 2 đến 30/1 âm lịch)

Thời gian: Mùng 2 đến 30/1 âm lịch
Địa điểm: Hội tối thiểu diễn ra trong phạm vi một bản (làng), thông thường một số bản gần nhau liên kết cùng tổ chức, có khi mở rộng ra một vùng vài chục bản.
Đặc điểm: Hội Lồng Tồng hay còn gọi hội Xuống Đồng là lễ hội văn hóa của dân tộc Tày Nùng để mở đầu mùa gieo trồng mới.
Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng thần Nông của bản. Tất cả gia đình dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần Đất, thần Núi, thần Nông và Thành Hoàng.


Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo…


Trong khi chơi trò ném còn, gái trai chia làm hai phe để hát sli, hát lượn, là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ thể hiện tục cầu mùa. Còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày Nùng mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét